Lịch vạn niên là gì
Lịch vạn niên còn gọi là Hoàng Lịch Thông thư, Hiệp kỷ lịch, Hiệp kỷ biện phương thư, Vạn bảo toàn thư, Tuyển trạch nhật, Ngọc hạp v.v...
Lịch vạn niên là loại lịch dùng cho nhiều năm soạn theo chu kỳ năm tháng ngày giờ hàng can hàng chi, cứ 60 năm quay lại một vòng, lịch Vạn niên dựa theo thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc chế hoá lẫn nhau, kết hợp với thập can, thập nhị chi, cửu cung, bát quái và nhiều cơ sở lý luận khác nhau thuộc khoa học cổ đại Phương Đông  như Thập nhị trực (Kiến trừ thập nhị khách), Nhị thập bát tú, 12 cung hoàng đạo, hắc đạo v.v... để tính ngày giờ tốt xấu.
Cuốn lịch vạn niên thông dụng nhất nước ta dưới triều Nguyễn là cuốn Ngọc hạp thông thư. Sở dĩ gọi là thông dụng, vì rải rác các tủ sách của các Nhà nho còn sót lại, chúng tôi tìm được các bản viết tay, quyển thì mất đầu, quyển thì rách đuôi, quyển thì bị xé giữa, mặc dầu viết tay, mặc dầu sưu tầm được ở các địa phương cách xa nhau (Bắc Thái, Hải Hưng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Trị, Thừa Thiên) nội dung vẫn thống nhất.
Có thể nói Ngọc hạp thông thư là cuốn sách gối đầu giường của các cụ nhà Nho nước ta thời trước: Động đến việc gì lớn hay nhỏ trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chài lưới, săn bắn, trong lễ nghi tế tự, giao dịch, trong mọi mặt sinh hoạt gia đình, họ hàng, làng xóm các cụ đều mở lịch ra chọn ngày lành, tránh giờ dữ.
Ngoài ra, trước năm 1945 ở nước ta cũng lưu hành một số sách khác như Vạn bảo toàn thư, Đổng công tuyển trạch nhật, Chư gia tuyển trạch nhật in ấn ở Trung Quốc đưa sang. Hay cuốn Tăng bổ tuyển trạch thông thư quảng ngọc hạp ký in ở Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn. Tất cả những cuốn trên đều cùng nội dung lịch Vạn niên, nhưng pha trộn thêm nhiều tà thuyết, trong đó có những tà thuyết đã bị bác bỏ từ thời vua Khang Hy triều nhà Thanh.
Dưới triều Nguyễn (1802 - 1945) có Khâm định Vạn niên thư (triều Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức) và Đại Nam Hiệp kỷ lịch (từ triều Thành Thái (1900) trở về sau. Đó là những cuốn lịch có tính pháp định, do toà Khâm thiên giám soạn, đệ trình nhà Vua và do nhà Vua ban cho thần dân hàng năm. Ngọc hạp thông thư tức cuốn lịch Vạn niên chúng tôi đề cập đến ở đây cũng do Khâm thiên giám ban hành, cũng có chung cơ sở lý luận thuộc thiên văn học cổ đại nhưng không phải là Khâm định Vạn niên thư.
Lịch vạn niên dùng để chọn ngày tốt, ngày xấu còn phải dựa vào một loạt "thần sát" của thuật chiêm tinh cổ đại.
Lịch vạn niên cũng khác với Lịch Vạn sự của từng năm, nhất là các cuốn gọi là "Lịch Vạn sự" lưu hành trên thị trường nước ta trong những năm gần đây.
Bàn về lịch vạn niên nhằm mục đích, ý nghĩa gì?
Nói một cách ngắn gọn là để xử sự đúng đắn trước một thực trạng xã hội: Tục chọn ngày giờ vốn thuộc phong tục cổ truyền vậy điều gì nên theo, điều gì nên bỏ cho phù hợp với hoàn cảnh thời đại hiện nay, đâu là ranh giới giữa: "tôn trọng tự do tín ngưỡng" và "bài trừ mê tín dị đoan" theo đúng chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ?
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng  tôi chỉ có thể đề cập một số vấn đề để mọi người cùng tham khảo:
- Có ngày tốt ngày xấu hay không?
- Việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu, tìm giờ lành, kiêng giờ dữ, có hẳn là mê tín nhảm nhí không?
- Vì sao tục chọn ngày, chọn giờ, chọn hướng có tồn tại lâu đời, chẳng những âm ỉ lưu truyền nhiều nơi trong nước ta, mà lan truyền ở các nước trên thế giới, kể cả nước nông nghiệp lạc hậu và các nước công nghiệp tiên tiến, các nước phương Đông và phương Tây.
- Căn cứ lý luận của lịch pháp phương Đông, thiên văn học cổ đại, căn cứ để làm lịch có tính pháp định gồm những nội dung gì? Từ thiên văn học cổ đại vận dụng vào thuật chiêm tinh để chọn ngày giờ như thế nào?
- Diễn biến lịch sử từ khi nãy sinh các thuật chiêm tinh đến thời kỳ hình thành Lịch vạn niên?
- Lịch vạn niên có từ thời nào? Cơ cấu nội dung của Lịch vạn niên?   Trung Quốc?
- So sánh Lịch vạn niên triều Càn Long nhà Thanh Trung Quốc với Lịch vạn niên triều Nguyễn nước ta.
- Nội dung Ngọc hạp thông thư tức Lịch vạn niên triều Nguyễn.
Bàn về lịch vạn niên là nghiên cứu, vận dụng phép biện chứng, vận dụng quan điểm lịch sử và ánh sáng khoa học hiện đại, soi chiếu vào thuật chiêm tinh cổ đại, thử phân tích những gì mâu thuẫn, những điều gì lạc hậu lỗi thời cần phải loại bỏ, những điều gì chứa đựng hạt nhân lôgíc có thể chấp nhận, tìm thấy những cốt lõi, những cái hay cái đẹp trong phong tục cổ truyền, loại bỏ những tạp chất, trên tinh thần "đãi cát tìm vàng".
Hy vọng bạn đọc qua loạt bài viết này, chắt lọc được những điều bổ ích để sáng suốt tự xử sự việc mình, việc nhà, việc họ, việc xóm giềng, việc làm ăn kết hợp với thời đại và cảnh ngộ riêng.
Bài tiếp theo: Quá trình hình thành lịch vạn niên mời bạn đọc theo dõi tiếp ở các bài sau.
(trích Tân Việt, Thiều phong. Bàn về lịch vạn niên, Văn hoá dân tộc,Hà Nội,1997)